Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH PHƯƠNG PHÁP 
CHĂM SÓC BÀ MẸ KANGAROO CHO GIA ĐÌNH 
BS Lương Kim Chi 
  Phương pháp chăm sóc bà mẹ Kangaroo (PP CSBMK) là một phương pháp chăm sóc trẻ đẻ non, nhẹ cân được áp dụng theo ý tưởng kangaroo chăm sóc con bằng cách đặt con trong túi phía trước ngực mẹ. 
Ngày nay PP CSBMK đã được ứng dụng hầu như trên toàn thế giới và được công nhận là phương pháp mang đầy tính nhân bản, con được nằm trong vòng tay, hơi ấm của mẹ.  
Nội dung chính: 
  1. Tư thế kangaroo: da kề da liên tục 24/24 giờ và càng kéo dài càng tốt.
  2. Dinh dưỡng kangaroo: nuôi con bằng sữa mẹ hoàn hoàn nếu có thể.
  3. Kích thích, massage cho trẻ thường xuyên trong quá trình chăm sóc.
  4. Xuất viện sớm và theo dõi chặt chẽ.
Lợi ích của chăm sóc kangaroo: 
  1. 1.     Đối với trẻ:
  • Trẻ sẽ ngủ yên hơn và ít khóc hơn.
  • Giúp kiểm soát, ổn định được nhiệt độ của trẻ.
  • Giảm cơn ngừng thở, ổn định nhịp tim (do những cử động liên tục và nhịp thở của người mang trẻ).
  • Việc nuôi dưỡng bằng sữa mẹ dễ dàng hơn.
  • Giúp bé dễ tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
  • Khớp háng ở tư thế dạng, giúp giảm trật khớp háng.
  • Giúp giảm đau tốt cho trẻ sơ sinh.
  • Giúp trẻ phát triển thể chất tốt hơn.
  • Tăng khả năng nhận thức, giúp trẻ vận động tốt hơn.
  • Giảm tỉ lệ tử vong và bệnh tật.
  • Giảm chi phí và thời gian nằm viện.
  1. 2.     Về phía bà mẹ và gia đình:
  • Thể hiện được mối quan hệ gắn bó thiêng liêng giữa mẹ và con.
  • Giúp mẹ tự tin, giảm lo lắng sợ hãi, giảm trầm cảm.
  • Gia đình đồng cảm, cùng san sẻ trách nhiệm nuôi trẻ.
  • Ngành y tế có trách nhiệm chia sẻ với gia đình những gánh nặng lâu dài.
Cách đặt trẻ vào túi kangaroo 
  Bế trẻ bằng một bàn tay nâng dưới cổ và lưng trẻ, tay kia bế nâng phần mông của trẻ
  • Nâng nhẹ phần dưới cằm để giữ đầu, cổ trẻ không bị gập xuống làm cản trở đường thở của trẻ.
  • Đặt trẻ lên ngực mẹ, nằm sấp giữa hai bầu vú mẹ ở tư thế thẳng đứng với ngực kề ngực, đầu trẻ nằm quay về 1 bên. Đặt 2 tay trẻ ôm phía trên và hai chân rút vào phía bên dưới 2 bầu vú mẹ, giống tư thế con ếch. 
  • Một tay giữ đầu, tay kia đưa hai bàn chân trẻ ra khỏi phần dưới áo kangaroo, rồi kéo phần trên của áo đến ngang tai trẻ.
  • Đổi tay giữ đầu, kéo áo cho hoàn chỉnh. Sau cùng kéo phần dưới áo phủ xuống hai bàn chân trẻ.
  • Trẻ cần đội thêm nón, đi tất và lót tả. Người mẹ cần mặc một cái áo địu bằng vải chun giãn để giữ trẻ luôn ở vị trí kangaroo và tránh di động đầu và cổ bé.
  • Người mẹ có thể đi lại cùng với con trong túi kangaroo và làm một số việc nhẹ nhàng.
  • Người mẹ trở thành một lồng ấp tự nhiên cho con 24/24 giờ.
  
Dinh dưỡng cho trẻ kangaroo 
  • Cho đến thời điểm này thì sữa mẹ vẫn là thức ăn hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là đối với trẻ sinh nhẹ cân và trẻ có bệnh lý.
  • Đối với trẻ sinh non, khả năng bú, nuốt và thở của trẻ chưa hoàn chỉnh nên trẻ bú không đạt hiệu quả hoàn toàn được. Do đó, sau khi trẻ bú mẹ cần cho ăn thêm bằng ống tiêm nhỏ giọt hoặc bằng muỗng (thìa).
  • Đối với trẻ <32 tuần chưa có khả năng bú, nuốt và thở tốt có thể cho ăn bằng ống thông dạ dày.  
 Cách tính lượng sữa cho trẻ ăn hàng ngày: 
Ngày đầu tiên sau sanh: 70-80 ml cho 1 kilo cân nặng lúc sanh, sau đó tăng 10ml mỗi ngày cho 1 kilo cân nặng nếu trẻ dung nạp sữa tốt, (lưu ý chỉ tăng tối đa đến 200ml, không tăng thêm nữa). 
Thí dụ: trẻ sanh 1.500 gram thì ngày đầu tiên sau sanh ta cho 80 x 1,5kilo = 120ml,  120ml chia cho 12 cữ ăn (tức cho ăn mỗi 2 tiếng một lần) = 10ml cho mỗi cữ. 
Khi trẻ được 8 ngày tuổi sẽ có lượng sữa tăng thêm là 70ml/kilo: (70ml thêm + 80ml ngày đầu = 150ml), lấy 150ml x 1,5kilo = 225ml, 225ml chia cho 12 cữ, mỗi cữ sẽ là 18ml. 
Nếu 1 tiếng rưỡi ăn một lần thì chia cho 16 lần, lượng sữa cho mỗi cữ là: 14ml. 

Lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ  
1. Lợi ích đối với con: 
  • Nhiều chất dinh dưỡng hoàn hảo
  • Các thành phần trong sữa mẹ được hấp thu dễ dàng, sử dụng có hiệu quả cao.
  • Bảo vệ trẻ chống nhiễm khuẩn.
  • Dễ tiêu hóa, ít gây táo bón.
  • Tăng cường sự gắn bó sâu sắc giữa mẹ và con, giúp trẻ phát triển tâm sinh lí tốt.
2. Lợi ích đối với mẹ: 
  • Giúp mẹ chậm có thai.
  • Bảo vệ sức khỏe cho mẹ.
  • Tiết kiệm được tiền mua sữa.
3. Những nguy hiểm của việc nuôi con bằng sữa nhân tạo (sữa bột) 
  • Ngăn cản sự gắn bó mẹ con.
  • Dễ bị tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.
  • Dễ mắc chứng còi xương. 
  • Suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A.
  • Dễ bị dị ứng và không dung nạp sữa.
  • Tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính.
  • Tăng cân quá mức.
  • Điểm thử nghiệm chỉ số thông minh thấp.
  • Mẹ có thể sớm có thai trở lại.
  • Mẹ tăng nguy cơ mắc chứng thiếu máu, ung thư vú và buồng trứng.                 
  
Hướng dẫn cho trẻ bú mẹ 
  • Giữ đầu và thân trẻ phải cùng nằm trên một đường thẳng.  
  • Để mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú. 
  • Ôm con sát người mẹ. 
  • Để đầu vú mẹ chạm vào môi con. Cho trẻ ngửi, liếm sữa mẹ. 
  • Chờ trẻ mở rộng môi, nhanh chóng đưa sát miệng con vào vú mẹ sao cho môi dưới của trẻ ngậm khít dưới núm vú mẹ, cằm trẻ phải chạm vào vú mẹ. 
  
Cách cho ăn bằng bơm tiêm 
  • Tư thế mẹ ngồi, một chân nâng cao hơn chân kia làm điểm tựa.
  • Bế em bé, một tay giữ phần lưng và cổ, tạo tư thế dốc cao 30 độ.
  • Tư thế bé cổ ngửa, đầu và thân nghiêng sang bên.
  • Dùng bơm tiêm 1cc bơm từ từ sữa vào một bên má trẻ để trẻ nuốt dần
  
Hướng dẫn cho ăn qua ống thông dạ dày 
1. Chuẩn bị dụng cụ: 
  • Ông thông dạ dày số 8F
  • Hai ống tiêm 5ml và 20ml
2.  Đặt ống thông dạ dày: 
  • Đo chiều dài ống thông cần đặt sao cho chiều dài của ống thông bằng với khoảng cách từ sống mũi đến vành tai và từ vành tai đến điểm giữa mũi xương ức và rốn. Làm dấu điểm đo trên ống thông.
  • Nên đặt ống thông qua đường miệng để mũi được thông thoáng.
  • Nhẹ nhàng đưa ống thông qua miệng  bằng với khoảng cách đã được đo sẵn.
  • Kiểm tra vị trí của ống thông bằng cách rút khí và dịch trong dạ dày dễ dàng, và ngừng rút khi thấy cứng tay để tránh hút vào thành dạ dày gây tổn thương.
  • Nên nhớ lúc nào trong dạ dày cũng có khí và dịch, ít nhiều tùy theo sự tiêu hóa của trẻ. Nếu rút không thấy khí và dịch có thể do đầu ống thông đã sai vị trí.
  • Sau khi kiểm tra xong dùng băng keo cố định ống thống ở môi trên hoặc một bên má.
  • Chú ý khi đặt ống thông dạ dày phải mở nắp ống thông và khi tháo ống thông phải đậy nắp lại để tránh sữa trào vào đường thở của bé.
3. Cho ăn qua ống thông:  
Chú ý trước khi cho bé ăn nên kiểm tra lượng sữa tồn dư trong dạ dày của bé bằng cách rút dịch như hướng dẫn trên, thường sữa dư chỉ khoảng 1-3ml tùy cân nặng của trẻ. Nên tính trừ bớt lượng sữa dư khi cho ăn. Thí dụ: mỗi cữ ăn trẻ ăn 10ml, sữa dư rút được 3ml thi chỉ cho thêm 7ml nữa là đủ.  
  • Nên đặt bé vào tư thế kangaroo trước khi cho ăn.
  • Dùng ống tiêm 20ml  gắn vào đầu ống thông
  • Đổ lượng sữa đã được tính theo nhu cầu của trẻ vào ống tiêm.
  • Nâng ống tiêm đến mức sữa có thể chảy chậm trong vòng 10-15 phút.
  • Khi sữa chảy hết, tháo ống tiêm ra và đậy nắp ống thông lại.
4. Thời gian lưu ống thông 
Tùy theo chất liệu ống thông dạ dày, có thể lưu ống thông trong 24 giờ (nếu ống thông làm bằng polyvinyl chloride) hoặc đến 72 giờ (nếu ống thông bằng polyurethane)  
Cách vắt sữa bằng tay 
1. Chuẩn bị dụng cụ vắt sữa: 
  • Chọn một chiếc cốc, ly, lọ hoặc bình có miệng rộng bằng plastic, tránh dùng dụng cụ bằng thủy tinh sẽ làm giảm lượng kháng thể do các kháng thể bám dính vào thành dụng cụ bằng thủy tinh
  • Rửa dụng cụ bằng xà phòng và nước.
  • Rót nước đang sôi vào ly, cốc và để trong vài phút
  • Khi đã sẵn sàng để vắt sữa thì đổ nước ở cốc đi.
2. Kỹ thuật vắt sữa: 
  • Rửa tay thật kỹ.
  • Ngồi hoặc đứng một cách thoải mái và giữ bình đựng ở gần vú.
  • Đặt ngón tay cái của bà mẹ lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón trỏ ở phía dưới núm vú và quầng vú, đối diện với ngón tay cái. Các ngón tay còn lại nâng phía dưới vú.
  • Ấn  ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng về phía trong thành ngực. Không nên ấn quá mạnh vì sẽ làm tắc ống dẫn sữa.
  • Bóp vào rồi thả ra một cách nhịp nhàng cho đến khi sữa chảy thành dòng.
  • Xoay ngón tay theo nhiều phía của quầng vú để đảm bảo vắt hết sữa ở tất cả các phần vú.
   
Các vấn đề cần theo dõi 
1. Theo dõi nhiệt độ
Đo bằng nhiệt kế trong 3 ngày đầu, mỗi 6-8 giờ hoặc khi nhiệt độ phòng thay đổi. Sau đó đo khi nghi ngờ nhiệt độ bé thay đổi. Bình thường nhiệt độ cơ thể có thể dao động từ 36 đến 37 độ C. 
Cách đo nhiệt độ phổ biến tại nhà là đo nhiệt độ ở nách trẻ 
  • Bà mẹ chú ý rửa tay trước khi đo nhiệt độ cho bé.
  • Kiểm tra nhiệt độ trước khi đo: cầm chặt nhiệt kế vẫy mạnh đến khi thấy vạch thủy ngân chảy xuống dưới mức 35 độ C. 
  • Đặt nhiệt kế sâu vào nách trẻ, giữ tay trẻ sát vào thân liên tục trong ít nhất 3 phút. Chú ý, đầu nhiệt kế phải tiếp xúc với da, không tiếp xúc với áo.
  • Chờ cho đến khi có thể đọc được số. Đối với nhiệt kế thủy ngân thường có kết quả sau ít nhất 3 phút. Đối với nhiệt kế điện tử, sau khi đo xong, nhiệt kế có tiếng peep báo hiệu là có thể đọc được kết quả.
  
Đọc và xử trí kết quả:   
Dưới 36 độ C 
  • Nên ấp bé trong tư thế kangaroo liên tục.
  • Nếu cần, nên đắp chăn thêm cho bé.
  • Sau 20 phút nên đo lại nhiệt độ, nếu trẻ còn hạ thân nhiệt thì phải tư vấn nhân viên y tế.
Trên 37 độ C 
  • Nên tạo nhiệt độ phòng mát mẻ (bật quạt, mở cửa sổ, cửa lớn, có thể dùng máy lạnh nếu có).
  • Tránh đắp thêm chăn cho bé.
  • Nếu đã làm như trên mà nhiệt độ vẫn chưa giảm đến mức mong muốn thì vẫn ấp bé ở tư thế kangaroo, nhưng để bé ra ngoài áo của người ấp nhằm giảm tiếp xúc da kề da.
Trên 38 độ C: Nên báo nhân viên y tế nếu bé còn trong viện, nếu bé ở nhà nên đưa bé đến khám tại cơ sở y tế gần nhất. 
2.  Theo dõi nhịp thở, cơn ngừng thở 
Bình thường trẻ sơ sinh ở trạng thái yên tĩnh thở 30-60 lần/phút, cơn ngừng thở >15 giây là bất thường.  
3. Theo dõi màu sắc da: hồng, vàng hay tím tái 
+ tím nhẹ: bé có biểu hiện thay đổi màu da quanh hốc mắt hoặc quanh môi: kiểm tra lại tư thế của bé có bị gập cổ, gập bụng không, đầu bé có được nâng cao chưa, có nghẹt đàm hay sữa trong miệng không, nếu có phải lấy sạch phần dịch trong miệng cho bé, xem bụng bé có căng trướng không? 
+ tím nặng:  thay đổi màu da cả mặt và chân tay: xử trí như tình huống trẻ sặc sữa ( xem phần cấp cứu sặc sữa) 
4.  Theo dõi phân: có màu hay có mùi gì khác thường không, số lần? Bình thường bé đi tiêu 1-2 lần, đôi khi bé có thể đi 5-7 lần trong ngày. Tính chất phân: vàng sệt, lẫn nước, đôi khi có mùi hơi chua khi trẻ bú mẹ. Số lượng phân hàng ngày nhiều hay ít, nếu số lần và số lượng phân giảm so với những ngày trước phải massage bụng cho bé trước mỗi cữ bú để tránh tình trạng tắc phân trong ruột rất nguy hiểm.    
5. Theo dõi nước tiểu : nước tiểu thường trong hay vàng nhạt, bé tiểu 8-10 lần trong ngày. 
6. Theo dõi cân nặng hằng ngày ghi vào bảng theo dõi cân nặng để nhận biết trẻ tăng hay giảm cân.   
7. Theo dõi chiều dài, vòng đầu mỗi tuần. Chiều dài: tăng 0,7cm/tuần, vòng đầu tăng 0,5cm/tuần 
  
 Cách cho bé uống thuốc 
1. Thuốc giọt: Nên pha loãng 1 giọt thuốc với 2-3 giọt nước: 
  • Bé  ống thông dạ dày thì dùng ống tiêm bơm qua thông dạ dày.
  • Bé không có ống thông dạ dày thì bơm nhỏ giọt vào miệng như bơm sữa.  
  • Ngày đầu khi bé chưa quen uống thuốc chúng ta nên cho trẻ uống 1 giọt và sau đó tăng mỗi ngày 1 giọt đến bằng liều đã ghi trong toa (thí dụ : toa thuốc ghi ngày uống 1 lần, lần 5 giọt thì ta cho uống ngày đầu 1 giọt, ngày thứ hai 2 giọt, ngày tiếp 3 giọt, tăng đến 5 giọt là dừng)
Nên uống thuốc đúng giờ. 
2. Thuốc viên nén: thí dụ như calcium D (màu xanh) nên bẻ 1 phần tư viên thuốc cho vào nước ngâm (nhớ khôngnghiền nát thuốc) đến khi thuốc tan hết thì cho bé uống, có thể cho thêm ít đường. Cũng bơm thuốc và ống thông hoặc vào miệng giống thuốc giọt.  
3. Thuốc dầu cá như vitamin AD, E: 
Dùng kim tiêm đâm một lỗ nhỏ trên đầu viên thuốc rồi bóp 1 giọt nhỏ vào miệng trẻ kể cả trẻ có ống thông dạ dày và giữ viên thuốc đã dùng rồi cho bé uống tiếp 2 ngày nữa hoặc mẹ uống cũng được. 
Lưu ý:  khi bé đang có ống thông dạ dày thì không được bơm sữa hoặc thuốc vào miệng bé, chỉ trừ viên dầu cá vì lượng thuốc quá ít không thể bơm qua ống thông được. 
  
Cấp cứu sặc sữa 

Động tác vỗ lưng xử trí sặc sữa
  Luôn giữ bé ở tư thế đầu cao để tránh sặc sữa. 
Nếu bé có ọc sữa lên miệng mũi thì nhanh chóng dùng khăn lau sạch phần sữa đã ọc ra. Có 2 tình huống xảy ra sau đó: 
  • Lau sạch sữa, nếu bé vẫn hồng hào thì vẫn giữ bé ở tư thế nâng đầu và vuốt ngực để bé thở đều lại. Đợi đến khi bé hết mệt và thở đều đặn mới cho ăn tiếp.
  • Lau sạch sữa, nếu bé tái hoặc tím thì phải dùng phương pháp cấp cứu sặc sữa ngay: “Vỗ lưng – ấn ngực” như sau:
    • Đặt bé nằm sấp trên tay và đùi
    • Đầu ở vị trí thấp
    • Vỗ lưng: Dựng bàn tay phải, vỗ 5 cái ở khoảng giữa 2 xương bả vai.
    • Ấn ngực:Lật bé nằm ngửa bằng cách đỡ đầu trẻ và kẹp giữa 2 đầu gối, đầu thấp hơn thân. Dùng 2 ngón tay bàn tay phải ấn mạnh vùng dưới xương ức 5 lần. Quan sát vùng họng và mũi bé, nếu có sữa, thì hút sạch.
  

Động tác ấn ngực bằng hai ngón tay

Đánh giá sau mỗi lần ấn lưng, vỗ ngực: 
  • Hồng, khóc tốt: không cần làm tiếp.
  • Nếu còn khó thở: tiếp tục thực hiện đến 8 lần.
  • Lau sạch phần sữa trong miệng bé và hà hơi thổi ngạt khi bé bị ngưng thở kéo dài.
  • Nếu bé nằm trong viện thì một người cấp cứu và người kia nhanh chóng báo bác sĩ hoặc điều dưỡng.
  • Nếu bé đang ở nhà thì vừa cấp cứu và gọi xe đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất. 
  
Hướng dẫn massage cho trẻ non tháng  
1. Lợi ích của massage: 
  • Cải thiện tuần hoàn và hô hấp
  • Kích thích tiêu hóa và bài tiết
  • Giúp tăng cân
  • Tăng sự hoạt bát, tăng khả năng vận động
  • Có giấc ngủ dễ dàng
  • Giảm đau
  • Giảm táo bón
  • Tăng cường khả năng miễn dịch ở trẻ
  • Giúp trẻ hạnh phúc hơn
  • Duy trì sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái
2. Một số lưu ý khi massage: 
  • Luôn nhìn vào mắt trẻ. Khi mới bắt đầu, massage từ từ, nhẹ nhàng sau đó mạnh dần và kéo dài hơn.
  • Theo dõi biểu hiện của trẻ, xem động tác nào trẻ thích và động tác nào trẻ không thích, nếu trẻ khóc ít cố gắng làm trẻ nín khóc trước khi massage; nếu trẻ khóc lớn hơn, khóc nhiều thì không massage cho trẻ nữa.
  • Nên dùng baby oil, dầu dừa, dầu ô liu, dầu hướng dương… để làm giảm sự ma sát lên làn da mỏng manh và mềm mại của trẻ, làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và  giúp cho việc massage được thuận lợi và hiệu quả hơn.
  • Thời điểm tốt nhất để massage là lúc:
      + Trẻ sẳn sàng tiếp nhận, tỉnh táo, không đói bụng và không cáo kỉnh, 
      + Người làm massage phải thật sự thư  giãn và thoải mái. 
3. Một số điều không nên làm khi massage: 
  • Massage bụng khi cuống rốn chưa rụng
  • Massage trong vòng 1 tiếng sau ăn
  • Đánh thức trẻ để massage khi trẻ đang ngủ
  • Massage khi trẻ không khỏe hoặc bị bệnh,
  • Massage khi trẻ không muốn,      
  • Bắt trẻ phải ở trong một tư thế khi massage
4. Các động tác massage: 
4.1 Bắt đầu với trẻ trong tư thế nằm sấp 
  • Đầu: Dùng lòng bàn tay vuốt từ trán xuống cổ về phía sau gáy rồi ngược lên trán. Lặp lại động tác 6 lần trong khoảng thời gian 1 phút (10 giây cho một lần vuốt).
  • Vai: Dùng đồng thời cả hai tay( 2-3 ngón tay chập lại) chéo các ngón tay ở cổ và đi xuống hai vai dọc xuống khuỷu tay. Lặp lại động tác 6 lần thời gian như trên.
  • Lưng: Dùng mặt lòng của các ngón tay ở cả 2 tay vuốt cùng lúc hai bên cột sống từ cổ xuống thắt lưng và quay ngược về phía cổ. Lặp lại động tác 6 lần.
  • Chân: Dùng các ngón tay của một bàn tay, vuốt mặt sau chân từ mông xuống cổ chân và ngược lại. Lặp lại 6 lần.
  • Tay: Dùng các ngón tay của cả hai tay vuốt từ giữa hai bả vai xuống cổ tay và ngược lại. Lặp lại 6 lần .
4.2 Đặt bé nằm ngửa lại: làm động tác thư giãn chân tay 
  • Tay: Giữ cổ tay trẻ trong  những ngón tay,  nhẹ nhàng  mở ra rồi uồn từ khuỷu tay gập lại sao cho bàn tay vừa chạm cổ và ngược lại. Lặp lại 6 lần.
  • Chân:
    • Nắm chân phải trẻ trên mắt cá nhẹ nhàng duỗi ra rồi co lại ở gối về phía bụng. Lặp lại 6 lần.
    • Nắm cả hai chân trẻ ở  trên mắt cá nhẹ nhàng duỗi ra, sau đó gập lại. Lặp lại 6 lần.
  
Hướng dẫn vệ sinh cho bé non tháng 
Đối với trẻ sinh non khi còn ở tư thế kangaroo tức chưa đủ chín tháng mười ngày thì không nên tắm cho trẻ, chỉ nên lau ướt nhằm mục đích bảo vệ da, chống nhiễm khuẩn cho trẻ. 
Chuẩn bị: 
  • Nhiệt độ phòng: 28-30 độ, tắt quạt, đóng cửa tránh gió lùa, trẻ được đặt trên bàn đảm bảo độ ấm
  • Bà mẹ hoặc người chăm sóc rửa tay sạch bằng xà phòng
  • Dụng cụ:
    • Thau (chậu) nước sạch ấm khoảng 36-37 độ C
    • Khăn mặt mềm 3 cái, khăn lông sạch, nón, áo, tã,
    • Gạc, gòn, que gòn, cồn 70 độ, nước muối sinh lý 0,9%, thuốc rơ miệng
Các bước tiến hành 
Người tắm nói chuyện biểu lộ tình cảm với trẻ 
1.  Lau phần đầu: Nhúng 1 khăn vào nước và lau đầu cho trẻ, dùng khăn khô sạch lau khô tóc trẻ. 
2.  Lau phần mặt:  
  • Mắt: Làm sạch mắt bằng nước muối sinh lý, dùng 2 miếng bông gòn lau từ khóe mắt ra ngoài đuôi mắt.
  • Dùng một khăn mềm lau mặt bé
  • Mũi và tai: không được ngoáy vào lỗ mũi, vệ sinh tai lau vành tai ngoài, không ngoáy vào ống tai.
3.  Lau phần thân: Dùng 1 khăn mềm khác lau bé theo thứ tự: chú ý các nếp gấp và các hốc tự nhiên 
  • Lau cổ, nách, cánh tay, ngực, bụng
  • Lau lưng mông, chân
Chú ý lau khô vùng da đã lau ướt trước khi lau sang vùng khác 
4.  Vệ sinh bộ phận sinh dục 
Lau theo một chiều từ bộ phận sinh dục ra phía sau vùng hậu môn của trẻ. Có thể dùng nước rửa nếu thấy bẩn. 
5. Cho trẻ sang khăn sạch, mặc áo, tã, giữ ấm cho trẻ. 
5. Một số chú ý đặc biệt 
  • Chú ý không nên nhúng các khăn đã dùng rồi vào thau nước đang sạch do vậy nên chuẩn bị đủ các khăn mềm lau các phần cơ thể bé
  • Nếu miệng bé không sạch, dùng tăm bông thấm  thuốc rơ miệng và rơ sạch từng phần trong miệng trẻ và lấy sạch phần nhớt dơ trong miệng trẻ.
  • Vệ sinh rốn:
    • Không cho nước bẩn dây vào rốn khi rốn chưa rụng hay rụng rồi nhưng chưa liền sẹo.
    • Nếu rốn dính nước tắm thì dùng gạc lau khô, có thể  dùng que gòn thấm cồn 70 độ lau quanh rốn trẻ, lau từ quanh chân rốn đi lên (nếu bé chưa rụng rốn).
Sau khi vệ sinh bé, ấp trẻ vào tư thế kangaroo và theo dõi màu sắc da (hồng hay tím), nhiệt độ, hô hấp trẻ xem trẻ có thở đều không. 
  
Khi nào thì bé Kangaroo có thể xuất viện 
  • Bé hết các bệnh lý cấp tính
  • Nhiệt độ em bé ổn định
  • Tăng cân liên tục trong 3 ngày
  • Bà mẹ tự tin có thể về nhà chăm sóc con mình.
  • Bà mẹ phải thành thạo trong việc nuôi con bằng sữa mẹ
  
Những vấn đề chăm sóc và theo dõi bé Kangaroo tại nhà  
  • Em bé phải được giữ ở tư thế Kangaroo khi ở nhà cũng như khi di chuyển từ nhà đến bệnh viện và ngược lại từ bệnh viện về nhà cho đến khi bé được ít nhất 40 tuần tuổi thai (tức khi bé được 9 tháng 10 ngày)
  • Tiếp tục chăm sóc theo phương pháp Kangaroo như đã được hướng dẫn trong bệnh viện. 
  • Không cho bé nằm than với mẹ. Phòng phải thoáng mát, tránh gió lùa
  • Hàng ngày hai mẹ con nên ra ngoài tắm nắng buổi sáng trước 8 giờ
  • Nên liên lạc qua điện thoại với nhân viên trong chương trình Kangaroo trong tình huống cần xử trí cấp cứu.
  
Bé được tái khám như thế nào 
  • Lưu ý gia đình phải đưa bé đến khám đúng hẹn để bé được theo dõi về sự phát triển chiều dài, cân nặng, phát triển về thần kinh, về tâm thần vận động. Các bất thường sẽ được phát hiện sớm nhằm can thiệp kịp thời 
  • Các bé còn được bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết tại các thời điểm thích hợp ví dụ như các bé dưới 40 tuần sẽ được tiêm vitamin K1 mỗi tuần cho đến khi bé được 40 tuần (tức 9 tháng 10 ngày)..
  • Khi bé chưa đủ 40 tuần, khi ra viện cũng như khi trở lại tái khám người mẹ hoặc thân nhân cần phải đeo mang bé trong tư thế kangaroo để tránh tình trạng bé bi lạnh, bị trào ngược sữa và bị ngưng thở tím tái lúc đi đường. 
Lịch tái khám các bé như sau 
  • Các bé dưới 40 tuần tuổi được tái khám mỗi tuần một lần
  • Các bé trên 40 tuần được tái khám mỗi 2 tuần hoặc 1 tháng đến khi được 12 tháng
  • Các bé trên 12 tháng tuổi được tái khám mỗi 2-3 thaùng tùy tình trạng của mỗi bé. Sau đó bé được khám lúc 3 tuổi, 5 tuổi.