Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013


NỘI SOI PHẾ QUẢN VỚI ỐNG SOI MỀM


ĐẠI CƯƠNG:
Nội soi phế quản (NSPQ) là đưa một dụng cụ có thể quan sát được vào trong lòng phế quản, nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị những tổn thương trong lòng khí - phế quản. Đồng thời có thể chọc xuyên qua thành phế quản để sinh thiết và thăm dò các tổn thương ngoài phế quản.
1. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA NỘI SOI PHẾ QUẢN
1.1. Lịch sử phát triển của NSPQ trên thế giới
Theo y văn thế giới, NSPQ đã có cách nay trên 2000 năm, từ thời Hippocrate. Ông đã nghĩ ra cách đặt nội khí quản để điều trị bệnh nhân bị ngạt thở. Tuy nhiên NSPQ đã không được phát triển cho tới thế kỷ 19.
Năm 1846, Horace Green lần đầu tiên tiến hành đặt ống nội khí quản và phế quản. Nhưng khi ông trình bày tại Hiệp hội Nội - Ngoại khoa Mỹ ở New York thì bị bác bỏ hoàn toàn vì cho rằng điều đó không thể thực hiện được và không đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Năm 1895, Kirstein đã khảo sát trực tiếp bên trong thanh quản bằng ống soi O'Dwyer có thêm bóng đèn điện tử lăng kính của Casper qua việc đè lưỡi và nắp thanh môn. Ông là người đã phát minh ra ống soi thanh quản đầu tiên.
Năm 1897, Gustav Killian đã dùng ống soi thanh quản Kirstein để soi phế quản cho một nam nông dân 63 tuổi và phát hiện một mảnh xương nằm ở phế quản gốc phải. Ông đã dùng ống soi thực quản Mikulicz - Rosenheim để lấy dị vật ra sau khi đã gây tê bằng Cocaine. Cuối năm 1898, ông đã báo cáo ba trường hợp gắp thành công dị vật ở cây khí - phế quản. Từ các sự kiện trên đã mở ra một kỷ nguyên về khảo sát cây khí - phế quản bằng nội soi và ông là người thầy thuốc được xem như là cha đẻ của kỹ thuật NSPQ.
Năm 1904, Chevalier Jackson chế tạo ống soi phế quản cứng có bộ phận chiếu sáng ở đầu ống soi.
Năm 1954, Hopkine và Hirschowitz đã phát minh ra sự dẫn truyền hình ảnh qua bó sợi thủy tinh quang học được bao bọc đặc biệt thành một ống mềm dễ dàng uốn cong và đặt tên là "Fiberscope".
Năm 1957, Avery Jones và Hirschowitz đã chế tạo ống soi mềm đầu tiên đơn giản để soi dạ dày. Sau đó ống soi mềm nhanh chóng phát triển ở Mỹ và đặc biệt là Nhật Bản.
Năm 1962, Shigeto Ikeda cùng với Shohei Horie và Kenichi Takino đã chế tạo thấu kính soi phế quản quang học giúp cho soi phế quản có nhiều thuận lợi hơn: độ chiếu sáng tốt hơn, thị trường quan sát rộng hơn và giảm được đường kính của ống soi nên có thể quan sát tới tận các phế quản phân thùy của thùy giữa và thùy dưới.
Năm 1966, Shigeto Ikeda chế tạo ống soi phế quản mềm và ông là người đầu tiên thực hiện NSPQ với ống soi mềm bằng sợi quang học để chẩn đoán bệnh lý phế quản. Sau đó, ông đã giới thiệu phương pháp NSPQ ống mềm tại Hội nghị Bệnh lồng ngực tại Copenhagen. Từ đó, NSPQ ống mềm được ứng dụng rộng rãi và phổ biến trên toàn thế giới, nó dần dần được sử dụng để thay thế cho ống soi cứng.
Năm 1971, Shigeto Ikeda và Ryosuke Ono sử dụng camera để ghi lại hình ảnh màu khi soi phế quản.
Năm 1984, Shigeto Ikeda và Ryosuke Ono đã sử dụng camera kỹ thuật số ghi lại hình ảnh NSPQ, giúp cho thầy thuốc quan sát kỹ hơn các biến đổi của niêm mạc phế quản.
Đến nay đã có nhiều ứng dụng trong NSPQ ống mềm với ống soi ngày càng nhỏ hơn, các bộ nguồn sáng tốt hơn, kỹ thuật NSPQ ống mềm qua truyền hình, cùng với sự cải tiến và sáng chế nhiều dụng cụ để thực hiện các kỹ thuật lấy bệnh phẩm (như rửa phế quản phế nang, chải phế quản, sinh thiết phế quản, sinh thiết phổi xuyên phế quản, chọc hút bằng kim xuyên phế quản) và trị liệu qua nội soi đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị trong chuyên khoa phổi.
1.2. Tình hình ứng dụng nội soi phế quản tại Việt Nam
Năm 1954, NSPQ ống cứng được thực hiện bởi Trần Hữu Tước, sau đó là Võ Tấn để gắp dị vật trong chuyên khoa Tai Mũi Họng. Từ đó, NSPQ ống cứng được thực hiện để chẩn đoán các bệnh lý hô hấp và gắp dị vật trong khí phế quản.
Năm 1974, Lê Quốc Hanh thực hiện NSPQ ống mềm đầu tiên tại bệnh viện Hồng Bàng (nay là bệnh viện Phạm Ngọc Thạch). Năm 1976, Đặng Hiếu Trưng thực hiện tại khoa Tai Mũi Họng Quân Y Viện 108. Nhưng sau vài năm, ống soi mềm bị hư hỏng nên không tiếp tục sử dụng và chủ yếu là sử dụng ống soi cứng để chẩn đoán những bệnh lý hô hấp.
Kể từ năm 1990, NSPQ ống mềm mới phát triển trở lại tại các bệnh viện có chuyên khoa phổi và đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến NSPQ ống mềm được thực hiện, với những kỹ thuật được ứng dụng cho thấy NSPQ ống mềm là một kỹ thuật chính yếu, có nhiều đặc tính ưu việt, hiệu quả, an toàn và không thể thiếu để chẩn đoán điều trị các bệnh lý phế quản phổi.
2. GIẢI PHẪU HỌC TRONG NỘI SOI PHẾ QUẢN
2.1. Đại thể
2.1.1. Khí quản
Khí quản có cấu trúc hình ống, chạy từ trên xuống dưới hơi lệch sang bên phải và phía dưới hơi chếch ra phía sau, được cấu tạo từ 16 đến 20 vòng sụn hình chữ C. Khí quản của người trưởng thành bình thường dài khoảng 11 - 13 cm, có đường kính 1,6 - 1,8 cm.
2.1.2. Cựa khí quản
Cựa khí quản (carina) là nơi phân chia của cây phế quản thành hai phế quản gốc bên phải và bên trái, gốc này tạo nên một gờ sắc nhọn, có nhiều ứng dụng cho việc chẩn đoán hình ảnh của kỹ thuật NSPQ.
2.1.3. Phế quản gốc
Xuất phát từ cựa khí quản đến phần đầu lỗ phế quản thùy trên, đường kính trung bình khoảng 1 - 1,6 cm, được cấu tạo bởi những vòng sụn không liên tục. Phế quản gốc phải thường ngắn và dốc hơn phế quản gốc trái, tạo một góc khoảng 30o với khí quản, dài khoảng 2 cm ở nam và ở nữ là 1,8 cm. Phế quản gốc trái tạo một góc 40o, dài khoảng 4 cm ở nam, 3,6 cm ở nữ.
Hình: Sơ đồ cây phế quản
2.1.4. Phế quản trung gian
Phế quản trung gian chỉ có ở bên phải, là đoạn nối từ lỗ phế quản thùy trên đến lỗ phế quản thùy giữa, dài khoảng 1,5 cm, có cấu trúc cũng tương tự như phế quản gốc nhưng đường kính nhỏ hơn phế quản gốc.
2.1.5. Phế quản thùy trên phải
Phế quản thùy trên phải thường xuất phát từ thành bên ngoài và cách cựa khí quản khoảng 1,8 - 2 cm, dài khoảng 1 cm và đường kính 6 - 8 mm. Phế quản thùy trên bên phải chia làm 3 nhánh phế quản phân thùy:
-         Phế quản phân thùy đỉnh hướng lên trên và chia làm hai nhánh đỉnh trước và đỉnh sau.
-         Phế quản phân thùy sau đi ra sau và hơi ra ngoài, chia hai nhánh: sau ngoài và sau trên.
-         Phế quản phân thùy trước ra trước và hướng xuống dưới, chia làm hai nhánh ngoài và nhánh trước.
2.1.6. Phế quản thùy giữa
Phế quản thùy giữa chỉ có bên phải, hướng đi chếch ra trước, xuống dưới và ra ngoài, tương đối dài và hẹp, đường kính 3 - 4 mm. Sau khi xuất phát khoảng 1,5 cm, phế quản thùy giữa chia làm hai nhánh: phế quản phân thùy sau ngoài chia hai nhánh, phế quản phân thùy trước trong chia hai nhánh.
2.1.7. Phế quản thùy dưới phải: chia làm 5 nhánh
-         Phân thùy đỉnh ở vị trí 6 giờ, đối diện phế quản thùy giữa, đi ra sau và chia làm ba nhánh trên, nhánh sau và nhánh ngoài.
-         Phân thùy đáy trong (phân thùy cạnh tim) nằm cạnh tim ở vị trí 3 giờ, hướng xuống dưới và vào trong, dài khoảng 1,5 cm thì chia hai nhánh trước và nhánh sau.
-         Phân thùy đáy trước ở vị trí 12 giờ, hướng xuống và ra ngoài khoảng 1cm thì chia hai nhánh ngoài và nhánh trong.
-         Phân thùy đáy ngoài nằm giữa đáy trước và đáy sau, chia hai nhánh ngoài và trong.
-         Phân thùy đáy sau ở vị trí 6 giờ, hướng xuống tận góc sườn hoành sau và chia hai nhánh ngoài và nhánh trong.
2.1.8. Phế quản thùy trên trái
Xuất phát từ phế quản gốc trái cách cựa khí quản 4 cm, có đường kính khoảng 7 mm, chia làm 2 nhánh lớn :
-         Nhánh phế quản trên hướng lên trên và chia làm hai nhánh phân thùy đỉnh - sau, phân thùy trước đi ra trước ra ngoài rồi chia hai nhánh ngoài và trước.
-         Nhánh phế quản dưới là phế quản phân thùy lưỡi, đi chếch xuống dưới và ra trước, dài khoảng 1 cm và chia làm hai nhánh phế quản phân thùy lưỡi trên và lưỡi dưới.
2.1.9. Phế quản thùy dưới trái
Phế quản thùy dưới trái chia làm năm nhánh
-         Phân thùy đỉnh vị trí khoảng 6 giờ, đường kính hơi to hơn phế quản phân thùy đỉnh ở bên phải.
-         Phân thùy đáy trong và đáy trước không tách rời nhau như bên phải mà hợp thành một thân chung đáy trong và đáy trước, dài khoảng 8mm xuất phát của những phân thùy này cũng gần giống như bên phải.
-         Phân thùy đáy ngoài, đáy sau và các nhánh phân chia của chúng có hình thái giống bên phải.
Các phế quản phân thùy cũng có cấu trúc sụn, tương đối chắc, nhưng cấu trúc của các phế quản thế hệ kế tiếp ngày càng mỏng dần, ít sụn hơn, nên yếu dần đi, dễ xẹp lại khi hút và dễ rách khi có một lực tác động mạnh như các động tác sinh thiết bằng kềm.
2.2. Vi thể
2.2.1. Khí quản: Có ba lớp
-         Lớp niêm mạc bao phủ lòng khí quản gồm những tế bào trụ với nhung mao trên bề mặt, xen kẽ là những tế bào tuyến.
-         Lớp dưới niêm mạc gồm mô liên kết, mạch máu, cơ trơn và sụn khí quản.
-         Lớp ngoài cùng là tổ chức liên kết.
2.2.2. Phế quản
Phế quản có cấu trúc tương tự, có nhiều tế bào tuyến và nhiều cơ trơn hơn, nhưng phế quản càng nhỏ càng ít mô sụn, thành mỏng hơn và dễ bị co thắt gây hẹp lòng phế quản do không có lớp sụn. 

3. SINH LÝ HÔ HẤP
3.1. Phản xạ đóng nắp thanh môn
Là một phản xạ tự nhiên có lợi để che chở chống lại dị vật rơi vào đường hô hấp dưới, nắp thanh quản đóng lại khi nuốt hay khi dị vật bị hít vào. Nhưng nếu một kích thích vật lý mạnh vào vùng thanh môn có thể gây nên một phản ứng co thắt thanh quản, đôi khi kéo dài gây ngạt thở. Đây là phản xạ mà người bác sĩ nội soi phải hết sức lưu ý vì rất nhiều tai biến, kể cả những tai biến chết người do phản xạ co thắt thanh quản gây ra.
3.2. Phản xạ ho
Là động tác thở ra mạnh mẽ giúp bảo vệ phổi chống lại sự xâm nhập và thúc đẩy dị vật, đàm
nhớt, vi khuẩn, … ra khỏi đường hô hấp dưới.
Ho cũng là một phản xạ, nhưng không luôn luôn, xuất phát từ sự kích thích niêm mạc phế quản nằm giữa thanh quản và các thế hệ phế quản thứ hai. Một số nguyên nhân nằm ở tai và màng phổi. Các kích thích có thể tạo ra ho gồm dị vật, chất tiết lót bề mặt niêm mạc, chất xuất tiết do viêm trong đường hô hấp hay nhu mô phổi, một tổ chức mới xuất hiện, một áp lực tác động lên thành phế quản. Ho là một hoạt động tự ý hay không tự ý, hay kết hợp cả hai. Có 3 nhóm kích thích tạo ra ho không tự ý: cơ học, viêm và tâm lý.
-         Cơ học: chất kích thích (khói bụi), xoắn đường thở do xơ phổi hoặc xẹp phổi.
-         Viêm: thường nhất.
-         Tâm lý: ho khan liên quan tới lo lắng, stress tâm lý có thể làm nặng thêm ho do nguyên nhân thực thể.
 ? Cơ chế ho:
Động tác ho bao gồm động tác hít vào nhanh, đóng nắp thanh quản, co thắt cơ thở ra ở ngực và bụng, tăng đột ngột áp lực trong bụng và màng phổi, mở nắp thanh quản đột ngột và tống một luồng không khí ra ngoài. Áp lực cao trong lồng ngực >100-200 mmHg, làm tăng vận tốc của dòng khí qua đường hô hấp và tạo nên tiếng ho.
Các kích thích hướng tâm từ các thụ thể di chuyển về thần kinh trung ương qua các dây thần
kinh phế vị, thanh quản thần kinh sinh ba và thần kinh hoành.
-         Thần kinh phế vị mang xung động từ thanh quản, khí quản, phế quản, màng phổi, dạ dày.
-         Các receptor thường khu trú ở thanh quản, giảm mật độ ở các đường dẫn khí và không có ở các phế quản xa.
-         Thần kinh họng - thanh quản mang kích thích từ thanh quản.
-         Thần kinh sinh ba mang kích thích từ mũi và các xoang cạnh mũi.
-         Thần kinh hoành mang kích thích từ màng ngoài tim và cơ hoành.
Đường vận động thì nhiều hơn gồm không những thần kinh sọ và thần kinh hoành mà còn thần kinh cơ liên sườn và các cơ hô hấp phụ.
Hiệu quả của phản xạ ho bị ảnh hưởng mạnh bởi thể tích phổi:
-         Phản xạ ho có thể bị chặn đứng bằng cách cắt một trong các giai đoạn trong chuỗi phản xạ.
-         Các thụ thể kích thích có thể bị tổn thương do quá trình hủy hoại tại chỗ (dãn phế quản) hay sự nhạy bén của nó có thể giảm do thuốc gây nghiện hay thuốc gây mê.
-         Đáp ứng phản xạ có thể bị tổn thương do bệnh lý thần kinh cơ.
Nói chung nếu bệnh nhân đạt được áp suất thở ra tối đa >60 cmH2O, lưu lượng đỉnh sẽ đủ để tạo ra động tác ho có hiệu quả.
Nhưng trong quá trình nội soi, phản xạ ho làm bệnh nhân rất khó chịu và làm bác sĩ nội soi rất khó quan sát và tiến hành thủ thuật sinh thiết. Vì vậy, việc gây tê đầy đủ niêm mạc phế quản giúp hạn chế phản xạ ho trong lúc tiến hành nội soi.
3.3 Cơ chế bảo vệ chống nhiễm trùng
Ngoài phản xạ đóng nắp thanh quản và phản xạ ho, niêm mạc đường hô hấp dưới được bao phủ bởi lớp tế bào trụ lông với những vi nhung mao có nhu động từ trong ra ngoài và được bao phủ bên trên bởi một lớp nhầy có tác dụng bám dính dị vật, vi khuẩn và đưa từ trong ra ngoài giúp bệnh nhân ho khạc để tống dị vật hay vi khuẩn ra ngoài. Ngoài ra đường hô hấp dưới có nhiều IgA giúp tăng cường cơ chế bảo vệ tại chỗ của đường hô hấp chống lại sự phát triển của vi khuẩn.
3.4. Chức năng thông khí
Đường hô hấp giữ nhiệm vụ là một ống trung gian giúp cho không khí di chuyển từ ngoài đến phế nang và giúp phân bố khí đến mọi vùng của phổi. Một sự tắc nghẽn hay biến đổi về hình thái cây phế quản sẽ gây nên sự biến đổi thông khí ở nhiều mức độ khác nhau.

4. NHỮNG THAY ĐỔI SINH LÝ TRONG NỘI SOI PHẾ QUẢN ỐNG MỀM
Do đây là một thủ thuật xâm lấn nên sẽ gây nên những thay đổi sinh lý trong lúc soi. Vì thế chúng ta phải hiểu rõ những thay đổi đó để có những hành động cần thiết nhằm hạn chế tác dụng phụ của nó.
4.1 Giảm oxy máu
Trong lúc thủ thuật, oxy máu giảm trung bình 20 mmHg, có thể giảm tới 40 mmHg. PaO2 bệnh nhân trước nội soi càng thấp sẽ gây giảm oxy máu càng nặng lúc soi. Oxy máu giảm nặng nhất khi bắt đầu kỹ thuật, lúc đưa ống soi qua dây thanh và khi rút ống soi ra.
Khi rửa phế quản - phế nang, oxy máu giảm tỷ lệ với lượng dịch đưa vào, oxy máu giảm có thể còn kéo dài hơn 4 giờ sau khi rửa phế quản – phế nang.
Cơ chế của sự giảm oxy này có thể do giảm thông khí phế nang gây ra từ sự co thắt phế quản lúc soi, bệnh phổi mạn tính có trước hay đặt nội khí quản khi nội soi hoặc do thay đổi tỷ lệ thông khí - tưới máu gây ra do thuốc tiền mê, rửa một lượng nước lớn hay rửa bằng nước lạnh hơn nhiệt độ cơ thể và cả do tư thế bệnh nhân.
        P Đo khí máu động mạch trước khi soi.
        P Máy theo dõi độ bão hòa oxy liên tục.
        P Tăng nồng độ oxy cung cấp qua sonde mũi.
4.2 Sự thay đổi tuần hoàn trong nội soi
Tỷ lệ tử vong trong NSPQ với ống soi mềm là 1/5000, phần lớn là nguyên nhân tim mạch, mà có thể nhận biết và điều chỉnh trước khi ngưng tim xảy ra.
Trong NSPQ ống mềm, trường hợp bình thường, làm tăng 50% cung lượng tim kết hợp với tăng tần số tim và tăng 30% huyết áp, tăng áp lực động mạch phổi.
Nguyên nhân do tăng catecholamines do kích thích khí quản, giảm oxy máu và tình trạng lo lắng khi nội soi.
Do tăng nhu cầu oxy cơ tim trong thời gian nội soi, nếu có sự giảm oxy máu trên những bệnh nhân bệnh lý mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. ST chênh xuống ở bệnh nhân mạch vành xảy ra đồng thời với lúc nội soi nên cần theo dõi ECG liên tục ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Rối loạn nhịp thường xảy ra trong lúc soi, kể cả ở những bệnh nhân không có bệnh tim với tỷ lệ 11 – 40 % và không thể biết trước được. Rối loạn nhịp nhĩ không liên quan đến giai đoạn thủ thuật hay giảm oxy máu, nhưng rối loạn nhịp thất thường xảy ra lúc đua ống soi qua dây thanh và kéo dài sau khi ngưng soi. Nguyên nhân có thể do gây mê, giảm oxy máu, tăng catecholamines hoặc hấp thu quá mức thuốc tê (hiếm).
4.3 Sự thay đổi về cơ học hô hấp
Đưa ống soi vào đường hô hấp, nghĩa là gây một hiện tượng bít tắc phế quản không tránh khỏi. Sự tắc nghẽn phụ thuộc vào kích thước ống soi và cây hô hấp. Ống soi mềm nhỏ trong khí quản người lớn không gây hậu quả đáng kể, nhưng một dụng cụ lớn cho vào ống soi sẽ gây tắc nghẽn nhiều hơn, và vì thế sự tắc cơ học đường hô hấp sẽ khác nhau nếu đưa ống soi qua mũi, qua ống nội khí quản hay trên một bệnh nhân thở máy.
NSPQ với ống soi mềm qua đường mũi làm giảm kích thước khí quản tới 11%. Điều này ít có tác dụng trên sức cản đường thở nhưng sẽ làm tăng dung tích cặn chức năng 17%.
Đặt nội khí quản đôi khi cần cho nội soi, thường với ống 8mm sẽ làm giảm 50% diện tích khí quản và làm tăng FRC. Khi cho ống soi vào sẽ làm giảm thêm 25% và tăng gấp đôi áp lực đường thở so với khi thở bình thường và làm tăng công hô hấp. Ngoài ra, tắc dòng khí thở ra sẽ có nguy cơ chấn thương áp lực khi ho.
Động tác hút qua nội soi làm giảm thể tích phế nang, do đó cần điều chỉnh lại thể tích khí lưu thông và phải tăng nồng độ oxy hít vào.

5. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH NỘI SOI PHẾ QUẢN
 Trước đây mục đích chủ yếu của NSPQ là để nhìn được cây khí - phế quản và những bất thường như u hoặc tổn thương hạt, sinh thiết những thương tổn trong lòng phế quản (nghi ngờ hay rõ rệt), rửa quét hoặc sinh thiết vùng phổi để xét nghiệm tế bào học và nuôi cấy. Ngày nay với sự ra đời của ống soi mềm soi phế quản còn dùng trong điều trị một số trường hợp như khi hút rửa dịch phế quản gây xẹp phổi hay tắc đường dẫn khí thấp, dùng để cầm máu bằng chính thành ống soi hay bằng cách gắn bóng vào cathete khi bệnh nhân không có khả năng chịu đựng được phẫu thuật, ...
5.1. Chỉ định
5.1.1. Chỉ định chẩn đoán
-       Ho ra máu,
-       Xẹp phổi,
-       Bệnh nhu mô lan tỏa,
-       Tổn thương do hít cấp,
-       Chấn thương ngực do vật tù,
-       Đánh giá tổn thương sau khi đặt nội khí quản,
-       Nuôi cấy vi khuẩn,
-       Chẩn đoán viêm phổi liên quan tới máy thở (VAP).
5.1.2. Chỉ định điều trị
-       Tăng tiết đờm dãi quá mức / xẹp phổi,
-       Dị vật,
-       Đặt nội khí quản,
-       Ho ra máu,
-       Tổn thương tắc nghẽn đường hô hấp trung tâm,
-       Đóng lổ dò khí quản màng phổi,
-       Mở khí quản ra da tại giường.
5.2. Chống chỉ định
-       Bác sỹ chưa có kinh nghiệm,
-       Bệnh nhân không hợp tác,
-       Không thể duy trì độ bão hòa oxy đầy đủ,
-       Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch,
-       Rối loạn đông máu ở bệnh nhân có chỉ định NSPQ để sinh thiết,
-       Bệnh nhân hen phế quản có triệu chứng mà chưa được điều trị,
-       Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có kèm tăng CO2,
-       Tăng áp lực nội sọ.

6. GIỚI THIỆU DỤNG CỤ NỘI SOI PHẾ QUẢN ỐNG MỀM
6.1. Ống soi mềm : được cấu tạo gồm 3 bộ phận chính
6.1.1. Bộ phận đầu ống soi : Gồm có
-       Một hệ thống thấu kính để nhìn bằng mắt thường hoặc gắn vào bộ phận xử lý để thu nhận hình ảnh đưa lên màn hình.
-       Một cần điều khiển lên xuống giúp cho đầu xa của ống soi cong lên 180o và cong xuống 100o - 130o trong quá trình nội soi.
-       Một lỗ của kênh thủ thuật để đưa các dung dịch, dụng cụ vào thực hiện các kỹ thuật trong khi soi (bàn chải, kềm, kim chọc hút...).
-       Một đầu của ống hút được gắn với hệ thống máy hút ở bên ngoài và nối liền với kênh thủ thuật ở bên trong kèm theo một nút van. Khi hút đàm nhớt, dịch tiết khí phế quản thì vận hành hệ thống máy hút bằng một bàn đạp để ở dưới bàn chân, đồng thời ấn nút van bằng đầu ngón tay trỏ.
6.1.2. Thân ống soi:
-       Đường kính thay đổi tùy loại, loại dành cho người lớn có đường kính ngoài từ 2,5 - 6,2 mm, có loại cực nhỏ đường kính 1,8 mm để quan sát phế quản nhỏ. Chiều dài thân ống soi là 55 cm hoặc 60 cm được đánh dấu từng đoạn 10 cm.
-       Cấu trúc bên trong ống soi gồm một bó sợi quang học (14.000 sợi) để dẫn truyền hình ảnh, mỗi sợi có đường kính khoảng 10 mm.
-       Một kênh thủ thuật bắt đầu từ đầu gần đến đầu xa của ống soi dùng để hút đàm nhớt hay thực hiện các kỹ thuật trong khi soi (bơm rửa phế quản phế nang, chải phế quản, sinh thiết, ...).
6.1.3. Bộ phận dẫn truyền ánh sáng :
Gồm 2 bó sợi quang học dẫn truyền ánh sáng từ nguồn sáng vào bộ phận đầu ống soi đi vào ống soi và phát ra ở đầu xa của ống soi.      
Đoạn cuối của đầu xa của ống soi có thể điều khiển cong lên hay xuống bởi cần điều khiển ở đầu ống soi. Ngay tại đầu xa ống soi gồm có một hệ thống thấu kính, hai hệ thống phát ra ánh sáng và một lỗ của kênh thủ thuật để hút hay tiến hành các kỹ thuật trong khi soi.
Ở thế hệ videofiberbronchoscope, bó sợi quang dẫn truyền hình ảnh và hệ thống thấu kính để nhìn không còn nữa.
6.2. Các bộ phận liên quan của ống soi phế quản mềm :  bao gồm nguồn sáng lạnh, bộ phận xử lý để thu nhận hình ảnh chiếu lên một màn hình.
6.3. Một số dụng cụ để lấy bệnh phẩm qua ống soi phế quản :           
-       Kềm sinh thiết: Gồm một cán điều khiển tiếp nối với một sợi bằng kim loại (có vỏ bọc bên ngoài và có thể uốn cong dễ dàng) đến lưỡi kềm. Cán điều khiển được thực hiện bằng tay dùng để đóng mở lưỡi kềm. Lưỡi kềm có nhiều hình dáng và kích thước khác nhau để lấy bệnh phẩm.
-       Dụng cụ chải phế quản: gồm một cán điều khiển tiếp nối với một sợi bằng kim loại (có ống thông nylon bao bọc bên ngoài và có thể uốn cong dễ dàng) đến phần bàn chải. Cán điều khiển dùng để đưa phần bàn chải thò ra hoặc thụt vào ống thông nylon và cũng được thực hiện bằng tay. Phần bàn chải cấu tạo từ những sợi lông nylon cứng, ngắn, gắn với một sợi thép không rỉ hình vòng chữ U.
-       Ngoài ra còn các dụng cụ khác để lấy bệnh phẩm như : kim chọc hút và các lọ nối với hệ thống hút để đựng dịch tiết phế quản hay dịch bơm rửa phế quản phế nang.

7. TIẾN HÀNH NỘI SOI PHẾ QUẢN
7.1. Chuẩn bị:
7.1.1. Bệnh nhân
- Thăm khám phát hiện các bệnh lý nền như hen, bệnh tim mạch, suy thận, rối loạn đông máu.
- Khai thác tiền sử dị ứng, thuốc đang dùng có ảnh hưởng tới chức năng đông máu.
- Kiểm tra xem bệnh nhân đã chụp XQ phổi và làm điện tâm đồ chưa? Độ bão hòa oxy của bệnh nhân như thế nào?
- Bệnh nhân phải nhịn ăn trước khi làm thủ thuật.
- Bệnh nhân và/hoặc người thân phải ghi bản cam kết làm thủ thuật.
7.1.2. Dụng cụ
- Thuốc tiền mê.
- Đặt đường truyền tĩnh mạch.
- Luôn luôn dành thời gian để kiểm tra và đối chiếu bệnh nhân trước khi tiến hành kỹ thuật NSPQ.
7.2.Thực hiện:
  - Nội soi được tiến hành ở phòng soi (đôi khi ở phòng X quang, phòng mổ) với ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng.
  - Trước khi soi, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc để giúp bớt ho. Sau đó, cần phải hít hơi thuốc tê trong khoảng 10 phút và được xịt thuốc tê vào sâu trong miệng. Thuốc tê được dùng để làm bớt khó chịu khi đưa ống soi vào.
  - Bệnh nhân soi ở tư thế nằm ngửa, được gắn dây oxy để thở, được theo dõi mạch, huyết áp và tình trạng hô hấp qua bộ cảm nhận gắn ở đầu ngón tay.

8. THEO DÕI VÀ BIẾN CHỨNG:
8.1. Theo dõi sau thủ thuật:
Sau khi được NSPQ, bệnh nhân thường được theo dõi liên tục trong vòng 1 đến 2 giờ cho đến khi thuốc hết tác dụng hẳn và bệnh nhân có thể nuốt bình thường trở lại, cụ thể:
- Bệnh nhân ngoại trú hoặc bệnh nhân nội trú bệnh không nặng: cần nằm trong phòng hồi sức khoảng một tiếng đến khi tình trạng tê giảm đi.
- Bệnh nhân nội trú nằm trong đơn vị săn sóc đặt biệt phải thở máy (thở, máy thở): tiếp tục cho thuốc an thần để duy trì cho bệnh nhân dễ chịu với máy thở.
Một số bệnh nhân có thể ho ra máu màu nâu đen 1 đến 2 ngày sau NSPQ. Điều này là bình thường. Tuy nhiên nếu ho ra máu đỏ tươi thì phải báo ngay với bác sĩ. Đau nhức ở cổ họng hoặc giọng nói khàn cũng sẽ dịu đi trong vòng một ngày hoặc lâu hơn.
- Bệnh nhân về nhà cùng ngày: cần nghỉ ngơi yên tĩnh, an thần có thể còn kéo dài, do đó không nên: lái xe, vận hành máy móc, uống rượu bia. Ngày hôm sau tác dụng an thần sẽ giảm đi và bạn sẽ có thể hoạt động trở lại bình thường.
8.2. Theo dõi sau nội soi có sinh thiết:
Bệnh nhân cần chụp XQ phổi để loại trừ tràn khí màng phổi:
-       Sau khi sinh thiết qua NSPQ ở bệnh nhân không có ống nội khí quản
-       Sau khi NSPQ thường quy ở bệnh nhân có ống NKQ, thông khí nhân tạo:
• Trả lại cho bệnh nhân thông khí nhân tạo các thông số cài đặt máy thở như trước khi tiến NSPQ.
• Ở bệnh nhân không có ống nội khí quản, thở oxy liên tục trong 4 giờ.
• Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn cho tới khi bệnh nhân ổn định trong ít nhất 2 giờ.
• Bệnh nhân không được ăn và/hoặc uống cho tới khi thuốc gây tê cục bộ hết tác dụng (khoảng 1 – 2 giờ).
• Sốt sau NSPQ thường gặp là do giải phóng các cytokin; sốt có kèm rét run và xuất hiện muộn  >24 giờ thì có khả năng là do viêm phổi sau NSPQ.
8.3. Biến chứng và tai biến:
- Khi được thực hiện bởi bác sĩ được đào tạo thì NSPQ bằng ống mềm thường quy rất an toàn.
- Tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1%
- Tử vong do tiền mê quá mức hoặc gây tê tại chỗ, ngừng thở do chảy máu, co thắt thanh quản, co thắt phế quản và ngừng tim do nhồi máu cơ tim.
- Tỷ lệ biến chứng chung < 8%
- Biến chứng không gây tử vong: sốt, viêm phổi, các phản ứng của thần kinh giao cảm, co thắt thanh quản và co thắt phế quản, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, tràn khí màng phổi, các vấn đề liên quan tới gây tê, và mất tiếng.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Bệnh học nội khoa tập 2, Trường ĐHYD Cần Thơ.
Hướng dẫn thực hành nội khoa bệnh phổi, NXB Y Học 2009.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét